Trong lịch sử phát triển ngành trà thế giới, từ cuối thế kỷ XIX tại Đài Loan, có một danh trà huyền thoại, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi dịp hè đến, nương trà giống ô long thường xuyên bị rầy xanh ăn lá khiến vụ mùa thất thu. Một nông dân trồng trà vùng Tân Trúc vẫn quyết định thu hái lá trà đã bị rầy ăn, sao sấy thành phẩm, và đem bán cho thương buôn người Anh.
Hương trà kỳ lạ, đậm mùi hoa, nước ngả màu hổ phách, vị ngọt mật thanh thoát đã khiến thương nhân người Anh bị mê hoặc, ông mua hết lô trà với giá cao. Sản phẩm kỳ diệu ấy được đưa vào phục vụ hoàng tộc, và tên gọi “Đông phương mỹ nhân” ra đời. Sau hơn trăm năm mỹ nhân ấy chu du tứ phương, và Việt Nam là một trong những bến đỗ lý tưởng cho nàng.
Ở góc độ nhân học, người con gái phương Đông ấy được miêu tả ngắn gọn: “Răng trắng, tóc đen, da vàng, gương mặt hồng hào, và đến từ phương Đông xa xôi”. Ở cuối thế kỷ XIX, khi cái tên “Đông phương mỹ nhân” ra đời, quê hương của nàng chính là Đài Loan.
Lan man trong ngành ẩm thực, thứ hay được dùng dáng hình người phụ nữ để ví von, miêu tả nhất, ấy là rượu vang. Từ đôi chân dài miên man (chân vang), cho đến những tính nết dịu dàng, thùy mị, đỏng đảnh, cá tính, ngọt ngào, sâu lắng của người con gái, được ứng tất vào vang.
Đưa vẻ đẹp người phụ nữ vào trà, kỳ thực là chuyện… xưa nay hiếm, và cũng chỉ mới thấy người Anh có lối ví von này. Đem thắc mắc hỏi bạn trà, sư phụ trà thâm niên xứ Đài, vì sao nhấp chén trà, lại tơ tưởng về phụ nữ, thêm cái kỳ quặc là đã ở Tây, sao không đưa luôn Tây phương mỹ nhân vào trà mà phải là Đông phương mới chịu?
Búp trà shan cổ thụ đầu xuân 2020 ở vùng Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La.
Để tìm câu trả lời, phải đem “Đông phương mỹ nhân” chuyển sang bộ môn giải phẫu học. Hóa ra phần ngoại hình của mỹ nhân ấy với răng – da – tóc kể trên, khi đem “trơ cái hồng nhan” ra xem, thì đúng thật, nàng có sự khác biệt, chả giống tí tẹo nào những loại trà trắng, xanh, đen, đỏ khác.
Ấy là diện mạo các cánh trà “Đông phương mỹ nhân”, người đẹp này có đủ ba màu, cùng là một búp lá, nhưng cái vòng một tí hin nhất (búp tôm) có màu trắng, xuống một tí vòng hai (lá một) lại có màu vàng, sang đến vòng ba (lá hai) là một màu đen mun huyền bí.
Còn chuyện hồng diện (gương mặt hồng hào) của người con gái, ấy là khi “cái hồng nhan” được đem xoay vần “với nước non”, thành ra chén trà có sắc nước hồng tươi, thanh tú và đợi chờ được ý trung nhân quân tử nâng niu, thưởng thức.
Sau bao năm hô phong hoán vũ trên chính trường trà, người đẹp Đông phương ấy không ở mãi xứ Đài, mà bắt đầu “bảy nổi ba chìm” sang cả Việt Nam, thời gian cụ thể từ những năm 1990.
Nhớ lại Việt Nam hồi mở cửa, thương gia Đài Loan vào Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh, họ đưa luôn giống trà ô long với những Thanh Tâm, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Tứ Quý Xuân… vào trồng ở các vùng Đà Lạt, Bảo Lộc, rồi tiếp đến Mộc Châu, Sơn La… Những nương trà cũng bị rầy xanh cắn lá, và thế là “Đông phương mỹ nhân” thương hiệu Việt ra đời.
Ông Thẩm Minh Kiến, một sư phụ trà Đài Loan hiện đang làm trà “Đông phương mỹ nhân” tại Lai Châu, khi hỏi về danh trà huyền thoại này, ông bảo: “Bây giờ không chỉ Đài Loan, Việt Nam cũng làm được vì từ giống, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất đều tương đồng như ở Đài. Người Đài và người Việt cũng răng trắng, da vàng, tóc đen, đúng là dân Đông phương rồi”.
Người trẻ H’mông Tà Xùa tự hào với đặc sản từ cây trà shan bản địa.
Nói về độ quý hiếm của loại trà này, anh Nguyễn Kỳ Sương, chủ nhân thương hiệu Mộc Sương, đơn vị duy nhất trong vùng trà Mộc Châu làm nên “Đông phương mỹ nhân”, chia sẻ: “Để có nguyên liệu làm ra nó, cánh đồng trà phải bị một loại sâu rầy tự nhiên chích hút vào búp trà, khi đó búp trà bị tổn thương, tự lên men trước khi hái, có vậy trong quy trình chế biến người ta mới tạo được hương thơm riêng, thành ra loại trà rất đặc biệt. 25 hecta của công ty, năm nào thu nhiều lắm chỉ khoảng 200kg. Giá trị nó rất cao, gấp 5 – 6 lần trà bình thường”.
Cứ ngỡ chỉ có giống trà ô long mới ra được “Đông phương mỹ nhân”, nhưng ở vụ trà xuân 2020, thật bất ngờ khi phát hiện vùng trà shan cổ thụ Tà Xùa, Sơn La lại tạo ra được “người đẹp” giống hệt từ ngoại hình, tính nết.
Đá qua chuyện thời sự, 2020 là năm đặc biệt với người làm trà Tà Xùa khi vụ trà xuân chưa kịp khai thác, đã phải hứng chịu cơn mưa đá tan hoang, rừng trà xơ xác, lá cành tơi tả, nhà cửa giông lốc bốc luôn nóc mái. Thời tiết vừa êm, cô-vi lại mò đến, may mà việc làm trà vẫn diễn ra đều đặn.
Tìm lên vùng trà Tà Xùa mùa tháng 4, đang đợt hái chao (hái sơ qua trước khi vụ xuân chính thức bắt đầu), có thể thấy rõ ảnh hưởng khắc nghiệt cực đoan của thời tiết làm búp trà quắt quéo, èo uột, ngoại hình chẳng tí gì nuột nà, búp tuyết mập, trắng đầy lông tơ như các vùng trà shan ở Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên mà tôi được tiếp cận.
Sơn nữ Mùa Thị Tồng với bánh trà mới ra lò 2020.
Nhìn độ bất thường của búp trà Tà Xùa năm nay, nhớ chuyện thời tiết không ủng hộ, đấy lại là một chi tiết mà dân làm trà lâu năm háo hức đón chờ. Bởi theo kinh nghiệm, thời tiết càng bất lợi, vụ trà năm ấy càng thơm ngon.
Vào xưởng trà Tà Xùa, thăm lò sản xuất những đặc sản mây núi kết tinh từ búp trà shan, nơi gây tiếng vang trong ngành trà Việt khi ở 2019, các sản phẩm bạch trà, trà xanh của người H’mông nơi đây đạt giải bạc (không có giải vàng) ở cuộc thi trà châu Á – Thái Bình Dương (Trung Quốc), vượt qua 128 mẫu trà của 17 quốc gia tham dự để giành giải đồng ở cuộc thi trà quốc tế Paris (Pháp).
Cô sơn nữ Mùa Thị Tồng ở xưởng trà Tà Xùa mời chén trà xuân 2020, đang mùa dịch COVID-19, cũng là lúc hợp lý để uống trà, tăng cường sức khỏe. Cầm chén trà màu hồng mật, hương hoa dậy mũi, nhấp ngụm trà, vị ngọt mật lan tỏa đến giựt mình. Hương vị trà gợi ngay niềm nhớ về “Đông phương mỹ nhân”, nhưng càng uống, nước ba – nước bốn – nước năm… lại là những khám phá mới, chất trà bật lên mùi ngậy của hạt, lúc lại thanh thoát thoảng hương như lan rừng, hậu vị sâu lắng, chát nhẹ nhàng, kéo dài mãi theo độ ngọt hậu mà “Đông phương mỹ nhân” nguyên thủy chỉ có đường… xách dép.
Bản thân Mùa Thị Tồng, dù đã lâu năm làm trà cũng thật bất ngờ: “Anh em trong xưởng pha, mới đầu uống, mình cứ nghĩ nhầm trà ai đó mang đến xưởng thử mẫu, không ngờ trà Tà Xùa mình lại ngọt thơm như thế”.
Trà ép bánh với nguyên liệu và kỹ thuật do người H’mông Tà Xùa sản xuất.
Cách chế biến “Đông phương mỹ nhân” phiên bản Tà Xùa cũng khác lạ, nguyên liệu trà chẳng bị rầy ăn, chỉ có cách thức sao sấy, lên men, được đúc kết bằng kinh nghiệm bản địa, cộng với công sức của thời tiết, mây núi, đất trời, thế là thành. Nguyên liệu trà xuân để rời uống đã hay, Mùa Thị Tồng bảo thứ này đem ép bánh, càng để lâu, uống lại thêm giựt mình.
Và càng ngạc nhiên hơn khi được biết từ vùng nguyên liệu, thu hái, sản xuất, cho ra thành phẩm ở xưởng trà Tà Xùa đều do người H’mông bản địa thực hiện. Xem bánh trà Tà Xùa mới đóng bánh chưa đầy tuần lễ, mùi hương đã dậy hơn hẳn nguyên liệu để rời. Cũng phải, bởi khi trà được lên men, đem ép bánh, nội chất trong trà biến chuyển nhanh hơn, trở thành đặc sản hảo hạng.
Với tính cách, khí chất thuần khiết của cây trà shan, kỳ vọng cô sơn nữ trà shan Tà Xùa lại sẽ làm nên chuyện với trà ép bánh, như đã từng thể hiện qua các lần chinh chiến trong ngành trà thế giới.
Bài và ảnh: Lam Phong | Nguồn: nguoidothi.net.vn
0966 72 1972