Chè Shan tuyết là giống chè bản địa quý hiếm. Nó sống trên vùng núi cao, độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, quanh năm ngậm trong sương, mây mù bao phủ. Chính điều kiện sống khắc nghiệt ấy đã cho ra đời loại chè Shan tuyết trân quý mang đặc trưng vùng Tây Bắc. Nhưng để có được những chén chè Shan trân quý ấy thì là cả hành trình dài . Hành trình mang tên Shan Tuyết vượt Tây Bắc.
Chè Shan Tuyết được xem là một trong 4 loại chè quý của thế giới. Ở Việt Nam nó chỉ có ở một số tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang. Trong đó nổi tiếng nhất là ở Suối Giàng, Yên Bái; Tà Xùa – Bắc Yên, Sơn La; bản Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang), Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên – vùng chè cổ xưa nhất VN).
Loại chè quý này sống trên núi cao với điều kiện khí hậu đặc biệt. Mùa đông thường không có mặt trời bởi mây mù và sương bao phủ. Mùa hè, vào sáng sớm búp trà cũng ngậm sương mù, người dân đi hái cũng cảm thấy buốt tay.
Theo lời người dân vùng Tây Bắc kể lại, cây chè Shan Tuyết hoàn toàn tự lớn lên trong điều kiện khắc nghiệt ấy. Họ không chăm bón chất dinh dưỡng cho cây, không phun thuốc trừ sâu cho cây. Chè Shan cứ sống và cho ra những búp trà tinh túy một cách tự nhiên như vậy.
Với điều kiện sống khắc nghiệt như vậy, để có những chén trà Shan thơm ngon, đậm đà thật không dễ dàng. Phải trải qua bao cung đường, bao công đoạn cùng công sức tâm huyết của bao người mới có được.
Khác với những loại chè trồng ở Tuyên Quang hay Thái Nguyên cây nhỏ, thấp vừa tầm với dễ hái. Chè Shan sống trên vùng núi cao hiểm trở với những cây cao lớn – có cây cổ thụ đến hơn 100 tuổi. Vì vậy để hái được chè người dân phải trèo hoặc với lên thân cây cao cheo leo ở sườn núi để thu hoạch.
Các vùng chè đều nằm ở các xã, các thôn vùng sâu vùng xa, địa hình phức tạp, điều kiện giao thông khó khăn. Để đi lên những rừng, đồi chè hái chè đã khó khăn nhưng để mang thành phẩm về tới bản cũng chẳng dễ dàng.
Trước đây, sau khi đã hái chè và mang về nhà họ phải nhanh chóng mang chè đi sao. Bởi nếu để quá lâu chè sẽ bị hỏng, không còn chất lượng tốt nữa. Họ sao chè bằng cách cho vào chảo gang hoặc hộc cỡ lớn sao tái, sau đó đem vò cho cánh chè cuộn lại. Vò độ 5 lần đến khi chè khô rồi lại ngồi xát bằng rổ tre cho nhỏ cánh, sau đó tách ra thành từng loại chè khác nhau rất cầu kì và nhiều công đoạn. Mất công là thế mà giá bán chè Shan Tuyết Tà Xùa cũng không cao.
Hiện nay thì với công nghệ, kĩ thuật hiện đại trên vùng đất Tà Xùa đã có nhà máy chế biến chè với công suất cao, chất lượng tốt. Người dân cũng vì thế mà đỡ vất vả hơn lại thu nhập cao hơn vì đã có nguồn thu mua. Họ không phải tự hái, tự sao và tự đem bán nữa. Chè Shan tuyết trong hành trình của mình đã đến được với nhà máy.
Từ trên những đỉnh núi cao trên 1000m đến với nhà máy , đó là một hành trình dài. Từ những nhà máy ấy, chè Shan Tuyết Tà Xùa tiếp tục được mang đi đóng gói thủ công. Nhẹ nhàng cho Shan tuyết vào trong từng bao bì, cẩn thận đóng thùng, bảo quản để trà giữ nguyên được chất lượng. Khi đã thành những thành phẩm trà Shan lại tiếp tục vượt nắng, vượt gió qua những cung đường núi hiểm trở để về xuôi và chạm được đến với tay người tiêu dùng.
Vượt qua bao nẻo đường, chè shan tuyết Tà Xùa thấm đẫm mồ hôi công sức của những người dân vùng chè và doanh nghiệp Việt. Để có được những sản phẩm chè Shan tuyết đặc trưng Tây Bắc không nơi đâu có được là bao nhiêu cố gắng.
Hành trình của chè Shan Tuyết đến với tay người tiêu dùng mang bao hi vọng thoát nghèo của người dân Tà Xùa, bao tinh túy của thiên nhiên, bao công sức của những người sản xuất và chế biến.
Với hành trình ấy con đường xuống núi của chè Shan Tuyết tà Xùa trở thành con đường đầy khó khăn nhưng cũng thấm đẫm tình nghĩa. Ấy là nghĩa tình của người vùng cao với gốc chè hàng trăm năm tuổi, ấy là nghĩa tình miền xuôi với miền ngược. Và còn là tình nghĩa của những con người luôn cố gắng từng ngày để đưa trà quý đến tay người dùng và cải thiện đời sống cho những người dân ở các làng bản xa xôi.
Chè Shan Tuyết không đơn thuần chỉ là một loại chè ngon. Đó là câu chuyện nhân văn của đời sống!
(Ban Biên Tập Shanam.vn)
0966 72 1972