Trà đã du nhập vào nước ta từ rất lâu. Nhưng đến thế kỷ thứ 9 thì nó thực sự trở thành một nét văn hóa, một điểm tô trong đời sống đẹp đẽ của người Việt Nam. Trước đây, trà chỉ dành cho tầng lớp quý tộc. Nhưng dần dà nó đã trở nên phổ biến, là một thức uống dân dã.
Trong mỗi dịp lễ, tết, ma chay, cưới hỏi trà đều là một món lễ vật không thể thiếu. Trước để dâng lên tổ tiên tỏ lòng thành kính, sau mời khách để bày tỏ mối thịnh tình tâm giao. Những dịp gia đình ngồi lại, mọi người quây quần bên ấm trà thơm, đĩa bánh ngọt. Đây cũng là một dịp để ngồi lại bên nhau sau những tháng ngày bận rộn. Là dịp để mọi người tâm sự, kể cho nhau những ngày tháng đã qua.
Lần tìm trong những trang văn học, ta có thể thấy trà hiện lên trong những áng văn thơ rất đẹp, rất tình. Nó thực sự là một thứ đồ uống gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Việt Nam.
Nhắc đến trà đạo, ta thường nghĩ đến sự cầu kỳ, tinh tế của người dân Nhật Bản. Trà Việt cũng vậy, để có được ấm trà ngon phải có ấm tốt, phải biết sao chè, phải biết ướp hương… Vậy nên, thú vui uống trà tao nhã, bình dị mà cũng lắm công phu. Nó đòi hỏi mọi người phải dốc lòng, dốc tâm thì niềm vui mới trọn, lòng người mới thỏa.
Uống trà không phân biệt sang hèn, già trẻ. Chỉ có tấm lòng với trà và hương vị ngọt dịu đọng lại trên đầu lưỡi là thật. Sự khác biệt ở mỗi người có lẽ chỉ là cách dùng, cách pha trà. Có người uống trà để tìm cho mình sự tĩnh lặng, có người dùng làm thức uống khi hội họp bạn bè. Còn ở chốn Thiền môn cửa chùa, cách thưởng trà cũng thể hiện rõ nét triết lý nhân sinh qua bốn chữ: Hòa, Kính, Thanh, Tịnh.
Hơn 4 nghìn năm hình thành và phát triển, trà đã thực sự là một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Nó không là thú vui cầu kỳ như trà đạo, nó chỉ là một phần bình dị và đầy tinh túy của cuộc sống Việt Nam.
0966 72 1972