Nói đến Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, không chỉ là điểm đến của những phượt thủ ưa khám phá mà còn là địa danh của loài cây làm nên thức uống đặc biệt. Đó là chè Shan Tuyết Tà Xùa. Những cây chè cổ thụ hàng nghìn năm tuổi được sương mây bao bọc để rồi nó chắt chiu nảy những mầm xanh cho người sống với nó làm thức uống xua tan giá lạnh. Từ lâu đời, dân bản vẫn tin rằng, uống Shan Tuyết Tà Xùa sẽ tăng sức đề kháng để có sức lao động dẻo dai, bền bỉ.
Tà Xùa, đỉnh núi có độ cao gần 2000 m so với mực nước biển, thuộc xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Hàng trăm năm qua, cây chè shan tuyết đã bén rễ, gắn bó với đời sống của bà con dân tộc nơi đây.
Chẳng biết điều đó đúng hay sai, nhưng bao đời qua, đồng bào Mông, Dao trên đỉnh Tà Xùa vẫn miệt mài gắn với loại cây này như chính cuộc sống của họ. Không phải chăm tưới, chỉ mất công sức trèo lên, hái búp mang về sao khô bằng bếp củi để uống dần.
Năm tháng qua đi, sức vóc lao động của đồng bào ở Tà Xùa như được thanh lọc bởi vị chát ngọt của chè cổ thụ ướp mây sương, như được tiếp thêm sinh lực để vượt qua những mùa đông băng giá.
Có những cây chè cổ thụ tuổi đời hơn 200 trăm năm. Chè mọc xen lẫn trong rừng sâu, núi cao và xung quanh bản. Tháng 4, tháng 5, tháng 6 là lúc cây chè shan tuyết cho nhiều búp nhất. Lúc này bà con trong bản sẽ đổi công cho nhau để hái chè.
Giờ thì loài cây này đã trở thành đặc sản, nếu nói đúng nó được người dân coi như một vị thuốc quý không thể thiếu được. Cứ thế mùa đông Tà Xùa dù có lạnh đến 0 độ C những vẫn có từng đoàn người ngược núi Tây Bắc tìm đến để thưởng trà, ngắm những cây chè thân chắc với rêu phong thời gian.
Không để phí tài nguyên quý của thiên nhiên núi rừng, một đơn vị đã tìm đến để giúp bà con giảm nghèo, tạo đầu ra cho loại chè quý hiếm. Đó là Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc được thành lập năm 2015.
Với ước nguyện phát triển thương hiệu Chè Shan Tuyết cổ thụ Việt Nam và đặc sản Tây Bắc, công ty đã bắt đầu với vùng nguyên liệu đầu tiên: Chè Tà Xùa, nơi mà bà con rất vất vả thu hái nhưng búp chè về và chế biến sao chè vất vả đến đêm.
Mặc dù vùng sơn cước còn quá nhiều thiếu thốn để đủ điều kiện mang chè xuống núi, nhưng Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đã không ngừng nỗ lực khắc phục mọi điều kiện khó khăn để đưa bằng được nhà máy lên Tà Xùa, mong bà con không còn vất vả sao chè mỗi khi đêm về, mong thu nhập của bà con ngày một ổn định hơn.
Hiện nay tại Tà Xùa, công ty đã đầu tư dây truyền chế biến chè đồng bộ, khép kín, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân bản địa.
Với mong muốn bà con người Mông Tà Xùa vừa làm chủ vùng nguyên liệu vừa làm chủ công nghệ chế biến, công ty đã mời những người sao chè giỏi tại địa phương về đào tạo để vận hành máy chế biến chè theo công nghệ mới trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm cũ của người dân bản địa.
Báo An Ninh Thủ Đô
0966 72 1972