Mùa A Sênh – người H’Mông ở Tà Xùa điều khiển giàn máy làm trà hiện đại thay thế cách làm truyền thống
ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Trà Shan tuyết cổ thụ từ xa xưa đã được xem là vua của các loại trà. Trà – ngành nông nghiệp đang nuôi hơn 2 triệu người – xuất khẩu thứ 5 thế giới với sản lượng 200.000 – 220.000 tấn/năm nhưng “hạng bét” trong nông nghiệp xuất khẩu Việt khi lẹt đẹt 200 – 250 triệu USD/năm. Trong số ấy, sản phẩm từ trà Shan cổ thụ chưa đầy 5.000 tấn, hầu hết được dùng làm trà lên men, ép bánh, số ít là bạch trà, hồng trà, trà xanh…
Nhà báo chuyên viết về trà thế giới Vanessa Facenda (Mỹ) tìm hiểu quy trình sản xuất trà Tà Xùa, Sơn La ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH |
Dịch Covid-19, chuyện mua – bán, xuất khẩu trà Shan bị ảnh hưởng nhưng ở công đoạn sản xuất lại là cơ hội vàng cho người làm trà Việt tích nguyên liệu, phát triển trà lên men, ép bánh, thoát khỏi cái bóng khổng lồ của trà Phổ Nhĩ bên kia biên giới.
5 năm trở lại đây sản phẩm trà ép bánh xuất xứ VN đã và đang định hình một trào lưu thưởng thức, sưu tầm mới bởi người mua tự tin hơn vì xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được vụ trà, năm sản xuất, năm ép bánh thành phẩm, thậm chí biết nghệ nhân làm bánh trà ấy. Điểm lợi của người chơi trà ép bánh Việt, ấy là giá chỉ bằng 1/3, 1/5 so với trà cùng niên đại nhập ở nước ngoài, trong khi chất lượng vượt trội.
Tà Xùa (H.Bắc Yên, Sơn La) được biết đến là vùng có sản phẩm trà Shan lên men, ép bánh do người bản địa sản xuất đứng đầu cả nước. So sánh bánh trà Tà Xùa với Phổ Nhĩ vùng Dị Vũ (Vân Nam -Trung Quốc) đồng sản xuất 2019, chủ hiệu trà Sài Gòn xưa vùng Chợ Lớn nhận định: “Vị trà cả hai rất tương đồng. Nếu không nói trà Tà Xùa, thật khó có thể nghĩ đó là trà ép bánh Việt”. Uyên Viễn – sáng lập và là trưởng nhóm Uống trà đi so sánh trà ép bánh Tà Xùa và Phổ Nhĩ vùng Băng Đảo: “Chất lượng ban đầu cả hai như nhau, nhưng bánh trà mình mua từ Vân Nam về chỉ đến nước thứ 5 là nhạt trà, trong khi bánh trà của VN cả nước và vị đến lượt pha thứ 10 vẫn rất ổn”.
Các sản phẩm trà ép bánh từ Quản Bạ, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì của Hà Giang cũng được các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Ukraine, Pháp, Úc, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc tiếp cận trong chuyến khảo sát vùng trà Shan cuối năm 2019. Khi thưởng thức nguyên liệu trà lên men từ 2005 của Hoàng Su Phì, chuyên gia nghiên cứu trà cổ thụ Diệp Mai người Đài Loan ngạc nhiên: “Chất trà thật tốt, trà được lên men tự nhiên nên diễn tả đủ tinh hoa từ độ ngọt mật độc đáo vùng trà Hà Giang, đến hương vị đặc trưng gắn với thổ nhưỡng, mùi gỗ, mùi đất, hương vanila… Đem nguyên liệu này ép bánh sẽ là sản phẩm giá trị, không chỉ để uống mà còn để lưu trữ, sưu tầm”.
Khá giống với mùa nho của rượu vang, mỗi vụ trà gắn với yếu tố thời tiết bất thường đều là trà ngon. Đơn cử vụ trà xuân 2018 ở Sơn La, đỉnh Tà Xùa năm ấy có tuyết, những bánh trà từ nguyên liệu 2018 nay tạo ra một mùi hương kỳ ảo, thanh nhẹ như hương hoa, vị ngọt mật không quá đậm, chỉ phớt nhẹ nhưng sâu lắng. Cùng năm 2018, các vùng trà từ Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Chiêu Lầu Thi của Hà Giang thời tiết cực đoan, cây rừng đóng băng tuyết, khiến cho trà vụ xuân năm ấy cũng mang những hương vị đặc biệt. Kết quả là sản phẩm từ các vùng trà Sơn La, Hà Giang… đi thi quốc tế, đoạt giải cao đều rơi vào những năm có thời tiết khắc nghiệt.
Chuyên gia trà Dmitry Filimonov (Ukraine) và bánh trà sản xuất năm 2002 ở Hà Giang ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH |
Năm 2020, thế giới vướng đại dịch Covid-19, các vùng trà Yên Bái, Sơn La bị mưa đá quật tơi tả, rừng trà xơ xác, chậm vụ hơn nửa tháng. Trong khó khăn chung ấy, cây trà vẫn tiếp tục đơm chồi, và trà xuân 2020 đang trong thời chính vụ, hứa hẹn là thứ nguyên liệu “vàng xanh” giá trị mà người thưởng trà Việt trông chờ.
Người H’Mông gọi trà Shan là báu vật đánh rơi của đất trời, là thần trà, là cây thuốc; người Dao gọi trà là món quà tổ tiên để lại. Nếu không có đồng bào dân tộc chăm sóc, thu hái trà mỗi vụ, việc sản xuất trà Shan chắc chắn bế tắc. Bởi vị trí các rừng trà đều ở những vùng hiểm trở, xa cách bản làng, khu dân cư, chỉ người bản địa mới có sức khỏe, kỹ năng khai thác.
Những vùng trà Shan được người bản địa làm chủ các khâu sản xuất – chế biến hiện có Hợp tác xã Phìn Hò (Hoàng Su Phì) do người Dao sản xuất, Hợp tác xã trà Tà Xùa do người H’Mông sản xuất. Mùa A Vừ, 30 tuổi, thợ làm trà lành nghề hàng đầu Tà Xùa, nói: “Ngày xưa phải kiếm củi trước, rồi mới đi hái trà, có trà phải đem sao cả đêm, khổ cho gia đình. Bây giờ có điện, trà làm bằng máy, chất lượng cao hơn, đồng đều hơn. Trà nay là cái ăn, cái uống chính của dân bản”.
Chị Nguyễn Thị Thắm – đại diện Công ty Shanam, đơn vị được tỉnh Sơn La ủy quyền khai thác vùng trà cổ thụ Tà Xùa, cho biết: “Chủ trương chúng tôi là xây dựng, hướng dẫn, chuyển giao, bởi chủ nhân cây trà là người bản địa. Nếu giúp họ phát triển kỹ thuật, làm sản phẩm tốt, thị trường đón nhận, bà con càng thêm vui, khi thấy rõ ích lợi từ cây trà, họ sẽ chuyên tâm hơn trong cách chế biến. Sản phẩm trà Shan ở Shanam đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã mỗi phường một sản phẩm) cấp quốc gia, đoạt các giải thưởng ở châu Á, châu Âu, đều do người H’Mông Tà Xùa làm. Chúng tôi mất khoảng 3 năm để xây dựng mô hình ở Tà Xùa như hiện nay, và đang nhân rộng sang các vùng trà khác như Sùng Đô, Yên Bái”.
Nhà báo Vanessa Facenda đến từ Mỹ, cây bút nổi tiếng chuyên viết về trà ở khu vực Bắc Mỹ và Anh, khi tìm hiểu quy trình sản xuất trà Tà Xùa, đã bày tỏ: “Kỹ thuật sản xuất trà Shan phát triển không thua kém ngành trà các nước lân cận và đang có nhiều thuận lợi tiếp cận thị trường thế giới. Là giống mọc nguyên sinh, nội chất trong trà Shan cổ thụ rất tự nhiên, hương nồng, vị ngọt hậu tốt, cái hay nữa là rất thanh, vị chát không quá nặng. Đây là thức uống thuần khiết và là loại trà đặc biệt mà người uống trà khó tính trên thế giới đang tìm”.
Vốn quý trà Shan
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam, cho biết hiện nay sản phẩm trà cao cấp từ nguyên liệu Shan tuyết cổ thụ ngày càng phong phú. Ba năm gần đây thị trường biết nhiều đến trà ép bánh. Trà Shan Việt hiện được nhắc tới nhiều ở các buổi trình diễn, hội thảo, sự kiện trà quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng lớn thế giới. “Việc chuyển đổi sản xuất trà Shan từ sản lượng sang chất lượng đang là mục tiêu hàng đầu. Đây cũng là định hướng của Bộ Công thương trong việc nâng cao thị phần tại các thị trường trọng điểm”, bà Hồng nói. |
Khai thác bừa bãi, trà Shan sẽ không còn
Hơn một năm đi các vùng trà Shan cổ thụ ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên nghiên cứu nội chất trà Shan Việt, GS-TS Nguyễn Quốc Vọng đúc kết: “Mỗi vùng trà đều gắn với đời sống người dân tộc bản địa. Họ còn nghèo lắm nên khi phát triển sản phẩm, doanh nghiệp và chính quyền cần chú ý đến đời sống bà con, hướng dẫn, hỗ trợ họ nhận rõ giá trị trà Shan, từ đó chung sức bảo tồn, không sợ bị phá đám như thu mua gỗ trà, chặt cả cây trà bán sang biên giới. Nếu chỉ khai thác và tận thu, 5 – 10 năm nữa trà Shan trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không còn”. |
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Theo Báo Thanh Niên | thanhnien.vn
0966 72 1972