Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, từ chính những điều bình dị gần gũi quanh ta. Xưa và nay vẫn không đổi cùng với nhiều đề tài quen thuộc khác như tình yêu, gia đình thì trà luôn có vị trí quan trọng trong thơ ca Việt Nam. Nhấp một ngụm trà ngâm một câu thơ, có biết bao bài thơ về trà đã hình thành như vậy.
Nhà thơ Mai Quang có bài thơ Trà khách:
Nhặt chút hương tĩnh lặng
Hãm chung trà vô vi
Cùng cảo thơm thi bút
Mời bằng hữu cố tri
Khác với nhiều thức uống khác, thú uống trà rất tinh tế mà giản dị. Thưởng hương trà trong không gian tĩnh lặng cùng trà vô vi. Vô vi được hiểu là một trạng thái của sự im lặng trong nội tâm. Cùng với tâm tịnh, không gian tĩnh là “cảo thơm thi bút”. “Cố tri” cùng nhau uống trà cùng thưởng sách, thi bút. Đó cũng là cách dùng trà của giai nhân xưa.
Trà có rất nhiều loại – trà nhài, trà sen rồi thảo hồng trà. Với mỗi loại trà, các nhà thơ dành cho nó những tình cảm riêng, vần thơ riêng.
Sáng nay một tách Trà nhài
Gom sương ướm khói thơm bay đất trời
Hoa cười thấy giọt sương rơi
Trong veo kẻ lá xuống ngồi dưới hiên
Vuốt ve đầu ngọn cỏ hiền
Long lanh ngấn lệ ưu phiền nắng tan
Sắc nâu sóng sánh mênh mang
Nhấp môi một ngụm thênh thang cõi lòng
Áng mây lãng đãng về không
Cao xanh biêng biếc lắng trong tách trà
Ai về bóng dáng phôi pha
Còn ta tĩnh lặng hương trà quyện sa
Đó là bài thơ Trà nhài. Viết về trà sen, nhà thơ Trần Mạnh Toàn có 4 câu tuyệt bút
Sắc màu lộng lẫy sen hồng
Hương sen ngan ngát cho lòng ai xao
Trà Sen cùng nhấp môi nào
Ngất ngây hương sắc trời trao cho đời…
Thơ về trà có, thơ về trà cụ cũng không kém phần đặc sắc. Chắc ai cũng từng nghe câu thơ:
Thứ nhất Thế Đức gan gà,
Thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần
Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần – đây là những loại ấm trà bậc nhất được làm từ đất Tử Sa. Những loại ấm này phải có màu ấm và khay ấm phải là “ấm da tru, khay gỗ gụ”. Vài câu thơ khác về bộ ấm trà:
Mặn mà chén tống da nâu,
Chén quân hạt mít một màu duyên tươi…
Ấm da bánh mật đang cười nụ
Sóng sánh màu xinh nước ngọc ngà.
Trong cuộc sống, trà không chỉ là thức uống dân dã, giản dị mà nó còn là đề tài, nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn.Mỗi câu thơ đều chứa đựng tình yêu trà cùng với sự am hiểu, cách thưởng trà của tác giả.
Trà không chỉ là đề tài trong các câu thơ, câu văn của những bậc giai nhân mà nó còn xuất hiện trong ca dao tục ngữ của người dân lao động. Họ truyền tụng về trà như một lời nguyện ước nghĩa tình kết nối mọi người với nhau.
Chè ngon nước chát xin mời
Nước non, non nước nghĩa người chớ quên.
Xưa là vậy, nay cũng không ít các nhà thơ trẻ viết về trà như một phần của cuộc sống hiện đại, như để kết nối mọi người với nhau. Nhà thơ Lai Thượng Hưng có câu:
Ăn miếng bánh, uống chút trà
Cầm tay và muốn là nhà của nhau
Một đoạn thơ khác về trà:
Có nhiều khi mình thủ thỉ bên nhau
Nói về những chuyện trên trời dưới bể
Ta miên man tưởng tượng đến khi lưng còng, lệ khệ
Vẫn cùng mình uống trà, sưởi nắng dưới mái hiên…
Trà bình dị thân thuộc trong đời sống sinh hoạt, giản dị trong những vần thơ, câu hát. Thơ về trà, có lẽ sẽ khó mà kể hết và số lượng ấy chắc chắn sẽ tăng lên bởi trà luôn có vị trí quan trọng với cuộc sống người dân Việt Nam.
0966 72 1972