Trà là thức uống phổ biến của người dân Việt Nam. Tuy nhiên ở vùng miền khác nhau sẽ có thú thưởng trà khác nhau.
Người Bắc thì thích uống trà mạn, trà hương. Người miền Trung – người Huế lại thích uống trà cung đình, ô long. Người Nam lại thích uống trà đá mát lạnh.
Miền Bắc là cái nôi của văn hóa trà Việt Nam vì vậy cái thú thưởng trà của người Bắc có phần nào lâu đời và cổ kính nhất. Trà mạn và trà sen là hai loại trà mang đặc trưng của người Bắc.
Xưa, trà mạn và trà sen chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, còn tầng lớp bình dân chỉ uống trà tươi. Ngày nay vẫn thừa hưởng văn hóa uống trà đó. Trà mạn và trà hương vẫn được dùng phổ biến trong các gia đình người Bắc như một thức uống bắt buộc phải có.
Người Bắc uống trà mạn như một thói quen sinh hoạt hàng ngày. Sáng nào cũng vậy, phải đun nước pha ấm trà nóng để uống dù là mùa đông hay mùa hè.
Khách đến nhà chơi, người Bắc chẳng mấy khi mời rượu, bia hay cà phê. Thông thường họ sẽ pha ấm trà mạn mới để mời khách. Vừa nói chuyện, vừa tráng chén pha trà. Bàn trong phòng khách bao giờ cũng phải sẵn có phích nước nóng, hộp trà mạn thêm vài điếu thuốc. Uống chén trà thơm, đàm đạo chuyện đời, chuyện người nó thành văn hóa.
Người Hà thành xưa, họ dùng trà mạn ướp với sen, với nhài thành thức uống mang hương quyến rũ, vị đậm đà. Vẫn là trà mạn, vẫn là vị ấy lại có thêm hương sen, hương nhài mới thật hấp dẫn.
Người Bắc có lẽ sống không vội vàng, tấp nập như người Nam. Vì thế rất nhiều người họ dành thời gian để thưởng trà mạn, để nhâm nhi chén trà nóng một cách bình thản, nhẹ nhàng.
Nhiều người nghĩ trà mạn chỉ dành cho những người lớn tuổi. Nhưng có lẽ không phải vậy, ở đất Bắc rất nhiều người trẻ họ thích tìm hiểu về trà mạn. Tìm hiểu về cách thưởng trà như tìm một thứ gì đó tĩnh lặng, giản đơn cho tâm hồn.
Không tấp nập hối hả như trà đá Sài Gòn, không quá cầu kỳ tẩm, ướp như trà cung đình Huế. Trà mạn mang cái mộc mạc, chất phác riêng của nó. Dù là người Bắc hay Trung hay người Sài Gòn thì cái thú uống trà mạn ở đâu cũng vậy – chậm lại một chút để thưởng sâu hơn.
0966 72 1972