Xã hội ngày càng phát triển, guồng quay cuộc sống ngày càng vội vã. Trong thời đại thức ăn nhanh và đồ uống đóng chai chiếm lĩnh thị trường, liệu rằng mấy ai còn đau đáu nhớ về một thuở trà xưa mộc mạc, thuần chất là đời sống tinh thần của triệu triệu người dân Việt từ phố thị đến làng quê?
Việt Nam là một trong những vùng nguyên sản của trà trên thế giới với các giống trà đa dạng và phong phú như trà Suối Giàng, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên… Hằng năm, các sản phẩm trà của nước ta được xuất đi hàng trăm nước với nhiều loại phong phú và đa dạng.
Trà là thức uống phổ biến và được ưa chuộng từ lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, với mỗi tầng lớp khác nhau, phong thái uống trà cũng biến đổi với những cách thức khác nhau.
Tầng lớp bình dân chế biến một ấm trà hết sức thô sơ. Họ cho những lá trà tươi đã được rửa sạch vào nấu thành nồi. Hoặc vò nát lá trà tươi, cho vào ấm đất, chế thêm nước sôi vào để ủ trà. Tuy nhiên, cũng tùy vào địa phương, mỗi nơi khác nhau lại có những cách thức pha trà khác nhau. Ví như người Quảng Bình, họ thích thêm một lát gừng vào ấm trà, để nước trà thêm đậm vị. Hoặc như người Nghệ, họ thích thêm chút quế chi để hương trà thêm thơm. Có thể nói, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, chén trà thơm tỏa khói… đã không còn xa lạ. Chén trà xưa thân thuộc với người ta đến nỗi, hầu như trong mỗi gia đình đều có thể bắt gặp 2 thứ liên quan đến trà cái nồi đất để đun trà hoặc ấm tích hãm trà và bộ ấm chuyên để trên bàn.
Bình dân Kinh kỳ thường mua lá trà tươi ở chợ, trà khô thì cho vào ấm ủ rồi uống. Trà của bình dân thường không được thơm ngon, hoàn hảo. Chính vì vậy, để vị trà thêm đượm, để ngụm nước trà thêm ngon, họ thường dệt cho trà một loại hương hoa bản địa. Mùa nào thức nấy, vùng nào hoa nấy, nơi có nhài dệt nhài, nơi có sen dệt sen, nơi có ngâu dệt ngâu… Nhờ vậy, từ bắc chí nam, trà mỗi vùng lại mang một vị, một mùi hương khác, đâu cũng thơm, đâu cũng đẹp, đâu cũng khiến người ta yêu thích, mê say.
Khác với bình dân, tầng lớp quý tộc gồm vua quan; thương nhân, trí thức có tiền và trí tuệ. Họ cầu kỳ hơn trong việc thưởng trà và phà trà. Do chịu ảnh hưởng nhiều từ nho học nên việc sử dụng trà của họ cũng mang tính lễ nghi và có hơi hướng phong cách Trung Hoa. Dụng cụ pha trà của dòng dõi quý tộc Việt Nam cũng được chú trọng và hết sức cầu kỳ. Chủ yếu là đồ ký hiệu. Khi ưng ý một kiểu trà cụ, họ đặt người Trung Hoa làm theo.
Trong những bộ trà ký hiệu xưa, đặc trưng nhất là bộ trà Mai Hạc của cụ Nguyễn Du, có thơ nôm và những họa tiết tinh tế. Đến thời Nguyễn, những bộ trà cụ ký hiệu ít dần, người ta thường mua các sản phẩm Trung Hoa làm sẵn như ấm tử sa, ấm sứ Cảnh Đức, ấm Bạch Định… Hiện nay, các bộ trà cụ của chúng ta cũng gần giống với cấu trúc các bộ trà cụ Trung Hoa. Tuy nhiên, khác với người Trung hoa thích chọn những ấm trà lớn, họa tiết cầu kỳ. Người Việt thường chọn những bộ trà cụ đơn giản, hình thù không quá phức tạp.
Tư thế thưởng trà của quý tộc thường hướng tới sự thư nhàn. Họ thường uống trà để tìm lại sự an nhiên sau những giờ triều chính và sách vở. Trà như một thú vui nhưng đồng thơi cũng là cách để rèn luyện tâm tính.
Từ xưa đến nay, thời nào cũng vậy, trà luôn là thứ không thể thiếu trong những dịp quan trọng trong đời sống người Việt. Từ những dịp ăn hỏi cưới xin cho đến đi đình chùa miếu mạo, bên cạnh rượu quý người ta còn dâng tặng trà ngon. Con cháu dâng trà lên bàn thờ gia tiên như nỗi nhớ về nguồn cội, gửi gắm đức tin đến những thế giới mà người ta không biết.
Cuộc sống bộn bề, người ta bị cuốn vào vòng quay công việc, chẳng mấy ai đủ thời gian ngồi lại châm một ấm trà. Điều đó khiến cho tính đời của trà đang dần bị mai một. Bức tranh xưa về cây đa, giếng nước, sân đình đã lùi về dĩ vãng. Nay, khi người ta muốn uống trà họ sẽ tạt qua một quán trà đá vỉa hè, uống nhanh một ngụm trà vội vã sau những giờ làm việc bận rộn.
Thế nhưng, những người hay đến quán trà chưa hẳn là những người uống trà thực thụ. Mà họ thích trải nghiệm, nếm thử cái mới. Càng là những người sành trà, họ càng lui về, uống ở nhà chứ không đến quán. Họ thích tự mình pha trà, bởi chỉ khi tự mình pha đó mới là ấm trà ngon nhất.
Rồi đến độ tuổi tầm 30 – 40, khi cuộc sống đã dần ổn định, người ta lại có cách uống trà càng ngày càng cầu kỳ hơn từ việc sắm ấm, sắm bàn, sắm ghế đến bố trí một không gian riêng để thưởng trà, mọi thứ theo quy chuẩn. Khi đấy việc thưởng trà đã không còn chỉ để giải khát, mà là lúc họ thấm được cái đượm của trà, từ cái vị lẫn cái “tinh thần” trong đó.
Anh Nguyễn Việt Bắc (Chủ quán Thưởng Trà) cho rằng: “Theo như tính cách người Việt, qua thời kỳ hỗn mang của trà, cái việc uống trà sẽ thuần lại như xưa, họ sẽ giản lược những thứ rườm rà”. Ấy rồi, liệu rằng khoảng cách giữa hai thế hệ có thể được rút ngắn nhờ chén trà hay không? Có thể rằng, quá trình này không hề dễ, người trẻ sẽ phải trải nghiệm, tìm hiểu thật kĩ, thử đủ phong cách, đủ loại trà để rồi họ mới nhận ra rằng việc kết nối với truyền thống không phải dựa trên bề nổi mà phải bằng bản ngã. Bản ngã ấy là do lớp trầm tích về văn hóa quy định trong từng người.
Cuộc sống xô bồ, người trẻ Việt sau khi trải nghiệm được những ngọt, bùi, cay, đắng của cuộc đời, họ đang có xu hướng tìm đến giá trị xưa cũ với hàm lượng cao và đậm đặc. Tìm về cái tinh túy, cái cốt cách xưa, cái thuần chất mộc mạc mà bao đời ta vẫn nâng niu trà Việt.
0966 72 1972