Cụ Mến lạ lắm. Cụ ngồi một mình nhưng bày ra những 2 chén trà. Một chén cho cụ uống, một chén để đối diện, chẳng bao giờ cụ động vào. Người ta bảo, chén trà đó, cụ rót cho người đồng đội cũ, cụ quý lắm. Thế nhưng, bọn tôi thấy chẳng phải vậy. Vì mỗi lần chăn trâu ở cánh đồng bên khát nước, chúng tôi lại lò dò chạy vào xin cụ hớp nước, lần nào cụ cũng trìu mến chỉ cho chúng tôi chén trà kia.
Thực lòng mà nói, lũ chúng tôi đều đồng ý rằng, cái thức trà cụ uống dở tệ. Nó chẳng ngon như chúng tôi vẫn tưởng. Đắng nghét, chan chát, uống vào chỉ tổ khát thêm. Có lần, tôi bẽn lẽn nói với cụ như thế, cụ nghe, rồi cụ bỗng cười xòa, chìa ra thanh kẹo lạc giòn tan. Tôi sướng run người.
Lũ chúng tôi thích cụ lắm, vì lần nào ngôi cạnh cụ cũng được nghe cụ kể chuyện xưa. Chúng tôi sinh ra ở thời bình, nên đứa nào cũng khoái nghe chuyện chiến tranh bom đạn. Nghe bà tôi bảo, cụ Mến ngày xưa hơn nửa đời người chiến chinh vì đất nước. Ở thời của cụ, bằng tuổi như chúng tôi bấy giờ, ai ai cũng ra chiến trường, ai ai cũng cầm súng băng qua mưa bom bão đạn. Cụ là người cuối cùng và cũng là người duy nhất trở về từ lứa trai làng ra đi ngày ấy.
Ngày cụ trở về, gầy yếu lắm, tóc đã pha sương, mang bao bệnh tật trên người, không gia đình, không vợ con, không con cái. Cụ chỉ có chiếc ba lô chỉ sờn lỏng lẻo và hũ tro người đồng đội cũ. Nghe bảo, đấy là người vì bảo vệ cụ mà đã hi sinh. Cụ Mến về, mọi người dựng cho cụ một ngôi nhà nhỏ đầu làng, để tiện ngóng trông, chăm sóc. Không ai nói, những ai ai cũng đều quý cụ. Quý tính cách đôn hậu của cụ, quý cách cụ làm người và cách bảo ban những đứa trẻ như chúng tôi.
Một hôm, cũng như mọi lần, sau khi thả trâu ngoài bãi cỏ hoang, chúng tôi lại quây quần xung quanh xin cụ kể chuyện. Cụ Mến cười xòa, vẫn chậm rãi tráng ấm om trà, rót cho cụ một chén, cho chúng tôi mỗi đứa một chén và một chén để kia – đối diện cụ. Lúc ấy, tôi tới tò mò đánh bạo hỏi cụ về chén trà kia. Hỏi sao mỗi lần uống cụ đều để một chén trà không như vậy? Cụ nhìn tôi một lúc, rồi cụ bảo.
Ngày xưa, thời cụ còn trẻ như chúng tôi bây giờ, nhà nghèo lắm, mấy ai có một chén trà để uống đâu. Thuở đó, trà là một thức uống của nhà giàu, bọn trẻ ngày ấy chỉ có thể nhìn và thèm thuồng ước vọng. Cụ có một người bạn thân từ thuở còn để tóc đào, hai người cùng có thời chăn trâu cắt cỏ, rồi cùng ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Vào chiến trường, một chén trà ấm lại càng trở nên xạ xỉ, có hôm hai người thèm quá chỉ biết hái lá chè dại về lén lút om uống đỡ thèm. Ước mơ bấy giờ của các cụ đơn giản lắm, chỉ mong đất nước hòa bình, được về quê cưới vợ, về già ngồi trên chiếc chõng tre đối ẩm với nhau thưởng thức chén trà thơm.
Nhưng ước mơ này quá xa xỉ vào thuở ấy, một đêm khi chiến dịch sắp kết thúc, địch rà máy bay càn quét khắp nơi, vì nhường chỗ trú ẩn cho cụ nên bạn cụ đã hi sinh. Viễn cảnh trà ông, trà tôi mãi mãi chỉ có trong lời hẹn ước.
Rồi sau đó, chiến tranh kết thúc, cụ về quê, mang theo hài cốt của bạn. Chén trà kia, cụ rót cho bạn cụ, rót cho những năm tháng thanh xuân dữ dội, rót cho đong đầy những lời hẹn ước khi xưa.
Cụ mến ra đi vào một chiều mưa cuối hạ. Lúc ấy, cụ đã ốm yếu lắm rồi. Vết thương cũ chiến tranh hành hạ cụ bao tháng ròng. Cụ ra đi trong sự tiếc thương của mọi người, ra đi trong tiếng khóc nấc của dân làng tôi. Lũ chúng tôi chia nhau cầm cờ và mặc áo tang cho cụ. Tôi bưng ấm trà đi theo sau linh cữu. Hạ huyệt, tôi rót cho cụ hai chén trà, một chén cho cụ, một chén cho bạn cụ, mỗi người đến chia tay cụ đều cầm một chén. Chúng tôi uống cho cụ, uống cho người ông mà chúng tôi vẫn hằng kính yêu.
Đó là cơn mưa cuối cùng và cũng là cơn mưa kéo dài nhất mùa hạ đó. Trời tầm tã, phải chăng cũng khóc cùng chúng tôi?
Ngọc Mai
0966 72 1972