Uống trà là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Trà được dùng hàng ngày, trà làm sính lễ trong ngày cưới hỏi, nước trà dùng mời hàng xóm láng giềng trong ngày ma chay và còn là quà biếu trong dịp lễ Tết.
Từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng trà như một thứ nước uống hàng ngày. Sáng dậy, việc đầu tiên là đun nước pha ấm trà. Dù không có khách hay chỉ một mình uống thì cũng phải có ấm trà. Chén trà buổi sớm giúp tỉnh táo hơn. Nhiều người còn uống trà buổi sớm là để cho sạch miệng.
Uống trà để thưởng thức, để giải khát. Trà hiện diện trong cuộc sống người Việt như thứ nó vốn thuộc về, như một phần không thể thiếu.
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, sum họp là cơ hội để mọi người gặp gỡ trò chuyện chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Trong không khí ấy sắc xuân ấy chén trà như người bạn như sợi dây gắn kết mọi người gần nhau hơn. Uống trà như là cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới. Trong dịp này các gia đình sẽ chọn mua những loại trà hảo hạng nhất, chất lượng nhất để mừng khách, mừng năm mới. Uống trà đã trở thành phong tục của người dân Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trong ngày lễ dạm ngõ, trầu cau và trà là hai thứ không thể thiếu. Trà và trầu cau có thể ít hay nhiều tùy gia đình nhưng chắc chắn phải là số chẵn. Bởi ông cha ta quan niệm, số chẵn là biểu thị cho cặp đôi mang ý niệm vợ chồng sẽ luôn bên nhau.
Ngày ăn hỏi, tráp có trà là một điều bắt buộc với gia đình nhà trai khi mang sính lễ đến nhà gái. Trà, rượu, trầu cau được dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên như một lời thông báo, xin phép để đôi bạn trẻ được cưới nhau, hai bên gia đình được làm thông gia với nhau.
Phong tục uống trà trong ngày cưới là một phần văn hóa và phong tục truyền thống của người dân Việt . Dù là người miền Bắc hay miền Nam. Dù hiện tại có nhiều loại thức uống có thể thay thế trà nhưng trà vẫn được lựa chọn để mời khách tham dự trong lễ cưới. Trà có ý nghĩa đặc biệt trong ngày này. Từ hương, từ vị chát, vị ngọt thanh và sâu đậm đều mang ý nghĩa sâu xa, căn dặn chúc phúc cho đôi bạn trẻ.
Nhà có tang lễ, trà là thức uống duy nhất được chọn để mời khách. Khách đến chia buồn, gia quyến chẳng có gì ngoài chén trà nóng thầm đáp lại, cảm ơn sự có mặt của họ. Chén trà nóng lúc này cũng có gì đó mang tâm sự cùng khách chia sẻ nỗi buồn với gia quyến.
Trà mang vẻ mộc mạc giản dị của những người nông dân nhưng cũng mang vẻ thanh cao, tao nhã của bậc giai nhân, tri thức. Trà có mặt trong cuộc sống hàng ngày, góp vui trong những ngày lễ Tết, cùng chia buồn khi gia đình gặp chuyện không vui. Đó chính là ý nghĩa của những phong tục về trà. Tìm hiểu những phong tục văn hóa trên bạn sẽ thấy mình yêu trà hơn, trân trọng thứ thức uống quen thuộc này hơn.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều phong tục của Việt Nam dần bị lãng quên nhưng hi vọng văn hóa về trà sẽ luôn tồn tại và được gìn giữ như một thứ tinh hoa đất trời.
Shanam
0966 72 1972