Mâm ngũ quả mang nhiều tầng ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam. Ở mỗi miền, cách bày mâm ngày Tết lại mang nhiều nét khác biệt. Với người miền Bắc, mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối thì phong tục của người Miền Nam lại tránh những thứ quả này. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách bày mâm ngũ quả của mỗi vùng và ý nghĩa của nó nhé.
Với người miền Bắc, mâm ngũ quả không thể thiếu chuối, bưởi (hoặc phật thủ), quất, cam, táo, lựu, hồng… Cách bày biện thường thấy nhất là nải chuối đặt dưới để đở lấy mọi loại quả. Chuối phải chọn là loại chuối xanh, quả cong, to đều và đẹp. Ở giữa nải chuối bày quả phật thủ hoặc bưởi có màu vàng bắt mắt. Những loại quả nhỏ sẽ xếp xen kẽ xung quanh, gài vào những kẽ hẹp giữa nải chuối. Màu sắc khác biệt của từng loại quả sẽ mang lại sự hài hòa, bắt mắt cho mâm ngũ quả.
Trong mâm ngũ quả của người miền Bắc, nải chuối và quả Phật thủ là biểu trưng cho sự che trở của trời đất, cam là sự vẹn tròn, quất thể hiện sung túc, lựu tượng trưng cho hình ảnh con đàn cháu đống… Tất cả làm nên một lời nguyện cầu bình an, sung túc cho năm mới an vui.
Với mâm ngũ quả của miền Trung, những loại quả được bày rất đa dạng, phong phú như: chuối, bưởi, dưa hấu, cam, táo, nho, xoài, sung, mãng cầu, dứa… Cách bày biện cũng rất đơn giản. Các gia đình thường đặt những quả to, nặng ở dưới làm giá đỡ, sau đó những quả nhẹ hơn được chèn lên trên, xen kẽ vào chỗ trống. Nhiều gia đình còn thêm những bông cúc vàng tươi tắn vào mâm ngũ quả cho đẹp mắt. Với người miền Trung đây là lời nguyện cầu cho sự may mắn trong năm mới, cho gia đình sung túc cả năm.
Người miền Nam thường chọn mãng cầu, dừa, đu đủ, sung, xoài bày Tết. Những loại trái cây này khi đọc lái đi sẽ là̀ “cầu – vừa – đủ – xài – sung”, nói lên mong muốn vừa đủ sung túc của người dân. Cũng theo cách đọc lái, người Nam không dùng cam quýt và chuối. Q̉uạ̉ chuối khi đọc lái đi sẽ thành “chúi” làm người ta không ngóc đầu lên được. Còn cam quýt thì có câu “quýt làm cam chịu” khiến mọi người e ngại. Trong mâm Tết của miền Nam còn có thêm cặp dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ tượng trưng cho sự may mắn, và một trái thơm với mong muốn con cháu đủ đầy.
Khi bày, đặt những trái cây lớn như đu đủ, mãng cầu, dừa đặt trước để tạo thế đứng. Bày những quả nhỏ hơn lên trên, chỉnh thế sao cho đứng như ngọn tháp. Cặp dưa hấu thì bày hai bên mâm ngũ quả.
Như vậy có thể thấy rằng, dù mỗi nơi có sự khác biệt trong bày biện và những loại trái cây nhưng tựu chung vẫn là lời mong ước cho năm mới đủ đầy, sung túc. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp, đã được lưu truyền rất lâu đời của người Việt Nam ta.
0966 72 1972